Home » Box: Nhân vật - Sự kiện
Albert Einstein - Nghịch lý của một thiên tài
Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013
Cả thế giới đều thừa nhận EINSTEIN là nhà Vật Lý xuất sắc nhất của mọi thời đại. Đã có không biết bao nhiêu công trình, giai thoại, bài vở,...viết về con người ông. Càng tìm hiểu, người ta càng phát hiện ở nhà khoa học thiên tài này có bao nhiêu điều nghịch lý...
Tuổi thơ dữ dội
Có lẽ ở đời, ai trong số chúng ta cũng đều có chung suy nghĩ là, một ai đó được coi là xuất chúng thì bất luận cái gì liên quan tới họ (đi đứng, nói năng, suy nghĩ...) đều có dáng dấp của thiên tài cả. Tuổi thơ của họ thì dứt khoát phải có nhiều biểu hiện mang đậm dấu ấn “thần đồng”: thông minh trác tuyệt, học hành giỏi giang, cuộc đời trôi chảy... Với A. Einstein thì lại hoàn toàn khác.
Năm 1906, nghe bạn bè nói rằng tác giả của Thuyết tương đối đang làm xôn xao thế giới chính là Albert Einstein, GS Minkowski (từng dạy A. Einstein ở Trường Công nghiệp Liên bang Zurich) đã tròn mắt: "Cái anh chàng lười biếng hay nghỉ học ấy lại là người tìm ra Thuyết tương đối sao? Làm gì có!".
Việc giáo sư nọ ngạc nhiên không phải ngoại lệ. Toàn bộ cuộc sống tuổi thơ của Einstein trôi qua đều bất bình thường tới mức lo ngại.
Ngay cả bà mẹ C. Pouling cũng nhiều lần lo lắng, than thở. Vì khác hẳn với các trẻ khác, tới năm 3 tuổi mà Einstein vẫn chưa nói nên hồn. Cậu phát âm tiếng Đức chẳng ra gì. Đã thế cậu lại chỉ thích thui thủi một mình, chẳng muốn chơi với ai. Có lần, suốt một ngày cậu ngồi im như phỗng trong phòng, chăm chăm nhìn không chớp mắt vào cái la bàn "cố chấp". Theo cậu, cái kim "bướng bỉnh" kia không hiểu sao xoay thế nào rồi nó cũng cứ quay về một phía. Điều an ủi duy nhất với bà Pouling là Einstein rất thích nghe nhạc và bộc lộ một năng khiếu âm nhạc khá rõ. Cái thói quen khác người đó theo suốt chặng đường học phổ thông của Einstein. Bất chấp các quy định khắt khe của nhà trường Đức, Einstein không chịu làm bài, trả bài theo quy định của thầy. Cậu cứ một mình một ý. Đã thế, cậu lại rất hay hỏi vặn những câu hỏi “đâu đâu” chẳng thầy nào trả lời được (thậm chí thầy chẳng thèm đáp lời, vì... ngớ ngẩn). Vì vậy mà điểm học của cậu rất đáng thất vọng. Thầy chủ nhiệm phàn nàn: "Em là một cậu bé khác người, cô độc, khờ khạo và vô kỷ luật. Sau này, chắc chắn em không thể thành công về bất cứ điều gì". Còn các bạn cùng lớp của Einstein thì chẳng ai chơi với cậu. Kết quả là đầu năm 1895, khi đang ở năm cuối bậc trung học, Einstein bị đuổi học.
Theo bố mẹ sang Milan (ý), Einstein phải vào học dự bị. Đến lúc dự thi vào Trường Công nghệ Liên bang Zurich (Thuỵ Sĩ), anh lại bị đánh trượt. Vì điểm kém đã đành, anh lại chưa có bằng tốt nghiệp Trung học. Năm 1896, một lần nữa, Einstein lại phải học tiếp ở Trường trung học Aarau trong một hoàn cảnh hết sức trớ trêu: không gia đình, không bạn bè, không quốc tịch (anh đã từ bỏ quốc tịch Đức, còn quốc tịch Thuỵ Sĩ thì chưa nhập được vì chưa tới 21 tuổi).
Chẳng có ai để ý tới chàng trai mảnh khảnh, kỳ dị, kém cỏi, khác người này. Cho tới khi...
Ý muốn thay đổi “Thượng đế”
Cho tới năm 1905, A. Einstein cho đăng một bài báo trên tờ Annale der Physik (Biên niên Vật lý) và bài này sau này được coi là nền tảng cơ bản của Thuyết tương đối hẹp. Cũng chẳng ai để ý tới tiếng nói của một anh chàng vô danh tiểu tốt như Einstein lúc đó. Có lẽ là những vấn đề mà Einstein đề xướng trong đó quá mới mẻ, quá táo bạo, quá khó tới mức rất ít người hình dung ra được. Cho đến khi, một ông giáo làng dạy Toán ở Crarow (Ba Lan) khi đọc đã phải giật mình kinh ngạc. Ông khẩn khoản lên tiếng đề nghị với M. Planck (nhà vật lý người Đức nổi tiếng) tại một hội nghị quốc tế: "Xin ông hãy vì khoa học mà đọc kỹ công trình này. Đây là một ý tưởng có thể sánh ngang với cuộc cách mạng của Nicolai Copernic".
Dù được Planck (và một số người khác thừa nhận), lý thuyết của A. Einstein ban đầu vẫn bị đa số các nhà khoa học coi là "điên rồ", không thể chấp nhận được vì nếu nghe theo sẽ "động chạm tới lương tri của thời đại”. Điều này cũng dễ hiểu, vì trước đó, vật lý học đang tôn thờ một “ông tổ” quá vĩ đại là Isaac Newton. Tư tưởng của Newton dựa trên nguyên lý mọi vật thể bất biến về không gian và thời gian. Đó là quy luật muôn thuở, là lẽ trời, là ý muốn của Thượng đế. Vậy mà bây giờ, có một nhân viên quèn chỉ quen "cạo giấy" ở Cục cấp bằng phát minh sáng chế Berne (Thuỵ Sĩ) lại cả gan nói rằng: “Con đường của Newton là con đường duy nhất đúng mà những người ở thời đại ông có thể đi. Các nguyên lý của ông vẫn còn sức sống trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý. Nhưng giờ đây, muốn hiểu thực sự bản chất của vũ trụ và thế giới, thì những nguyên lý này cần phải được thay thế bằng các nguyên lý khác, đi xa hơn thực nghiệm trực tiếp". Theo Einstein, vận tốc của vật thể càng lớn thì thời gian trôi càng chậm và khi đạt tới vận tốc ánh sáng (300.000 km/s) thì thời gian xấp xỉ bằng 0. Nguyên lý biện chứng không - thời gian này đã được Einstein diễn đạt ngắn gọn: “Theo Newton, khi vật chất biến mất thì không gian thời gian vẫn còn. Nhưng theo tôi, khi vật chất biến mất thì không gian thời gian lập tức cũng biến mất". Ý tưởng đó, ngay đến bây giờ, cũng còn có người ngờ vực, huống hồ lúc ấy.
Quan niệm mang tính cách mạng triệt để của Thuyết tương đối đã làm đảo lộn thế giới. Người ta quy kết Einstein đủ tội. Ông bị gán cho là không chỉ đưa ra những luận đề “phản khoa học” mà còn mang tư tưởng báng bổ đến Chúa trời cao cả và thiêng liêng. Đến nỗi một nhà thơ lúc đó đã viết:
Thiên nhiên và những bí ẩn của nó tràn đầy bóng tối
Chúa nói:
Được rồi! Sẽ có Newton
Và tất cả đã sáng rực lên
Nhưng chẳng bao lâu quỷ sứ nói:
Được rồi! Sẽ có Einstein
Và tất cả lại chìm vào bóng tối...
Lịch sử tư tưởng nhân loại đã đúc rút ra một điều là, nhiều khi "nắm bắt thế giới tự nhiên bằng lẽ phải thông thường và kinh nghiệm là rất dễ mắc sai lầm". Einstein đã phải đối mặt với những định kiến khoa học từng ăn sâu vào tiềm thức của biết bao người, của cả thời đại. Ông như một ngư dân đơn độc chèo con thuyền độc mộc vượt qua biết bao bão tố biển khơi.
Lịch sử tư tưởng nhân loại đã đúc rút ra một điều là, nhiều khi "nắm bắt thế giới tự nhiên bằng lẽ phải thông thường và kinh nghiệm là rất dễ mắc sai lầm". Einstein đã phải đối mặt với những định kiến khoa học từng ăn sâu vào tiềm thức của biết bao người, của cả thời đại. Ông như một ngư dân đơn độc chèo con thuyền độc mộc vượt qua biết bao bão tố biển khơi.
Kết quả là Thuyết tương đối của Einstein bị phản bác, báng bổ nhiều hơn là khẳng định. Dù đóng góp của ông ở nhiều lĩnh vực đã được thừa nhận, nhưng năm 1921, Hội đồng khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển vẫn chỉ trao giải Nobel cho các phát minh của Einstein về hiệu ứng quang điện. Còn Thuyết tương đối, tuy vĩ đại thật nhưng muốn “ăn chắc” thì "hãy để sau".
Nỗi đau... nguyên tử
A. Einstein đươc coi là nhà hoạt động xã hội, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho hoà bình. Điều dễ hiểu, là một người Do Thái, ông chính là nạn nhân điển hình của chủ nghĩa phát xít. Hitler đã từng treo giải 20 ngàn mác Đức cho ai giết được ông. Nhưng ông chống chiến tranh không phải vì chuyện thù riêng mà vì căm ghét đến cùng các thế lực cường quyền, phản tiến bộ. Song trớ trêu thay, chuyện này lại dẫn ông đến một bi kịch lớn cuối đời. Năm 1939, Thế chiến II bùng nổ. Khi biết Hitler đang ráo riết bắt các nhà bác học tìm hiểu bí mật chế tạo bom nguyên tử, Einstein đã thuyết phục bằng được tổng thống Mỹ là F. Roosevelt chấp nhận đề án bom nguyên tử do ông đề xuất. Nhưng bọn phát xít tàn bạo không đạt được mục tiêu, trong lúc đó nước Mỹ đã thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trên đảo Bikini. Thảm hoạ nguyên tử đang đến rất gần, còn chủ nghĩa phát xít gần như đã sụp. Đến lúc này, Einstein lại cùng một loạt các nhà khoa học, lập tức gửi kiến nghị, khẩn khoản đề nghị chính phủ Mỹ dừng kế hoạch ném bom. Song... mặc kệ, H. Truman (Tổng thống Mỹ lúc đó) vẫn ra lệnh thả liên tiếp 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (vào 6 và 9-8-1945). Hai thành phố bị san bằng và hơn 20 vạn dân Nhật bị cháy thành tro. Biết được chuyện này, Einstein đã mất ngủ, bỏ ăn vì phẫn nộ. Ông đã nhiều lần đau khổ dằn vặt nói: “Mọi người nguyền rủa bom nguyên tử ư? Tiếc thay, chính tôi là kẻ đã bấm nút". Con người vĩ đại kia tiếp tục rơi vào trạng thái cô đơn cùng cực tới lúc cuối đời. Trong hồi kí, ông viết: "Tôi thực sự là một lữ hành đơn độc và chưa bao giờ thuộc về đất nước tôi, ngôi nhà tôi, bạn bè tôi và ngay cả gia đình tôi nữa".
Giờ đây, nhân loại bước vào năm 2005 với bao nhiêu cái mốc đáng nhớ về A. Einstein: 126 năm sinh (1879 - 2005), 50 năm ngày mất (18/4/1955 - 18/4/2005), 100 năm Thuyết tương đối ra đời (1905-2005). Chúng ta như gặp lại nhà bác học năm xưa với bao bài học vẫn còn nóng hổi. Trăm năm cũng chỉ là một khoảng thời gian “tương đối”. Học thuyết của Einstein đã được các tri thức khoa học mới soi rọi, khẳng định và ngày càng lung linh, rực rỡ. Vẫn còn rất nhiều điều thế giới hôm nay phải tiếp tục làm, như một sự tri ân với một nhà bác học lỗi lạc, chỉ một phương trình giản đơn (E = mc2) mà giúp cho con người nhỏ bé có khả năng thâu tóm cả vũ trụ. Albert Einstein, với phát minh được coi là cực kỳ táo bạo, hết sức kỳ lạ và đẹp tới mức toàn bích... đã trở thành biểu tượng kỳ vĩ nhất về ý chí bất khuất của con người trên con đường nhận thức và chinh phục thế giới.
<Thuý Hà sưu tầm>
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét